9 điều ai cũng ước mình biết khi bước trên con đường khởi nghiệp

Có những vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ khi bạn mới khởi nghiệp nhưng lại có thể khiến bạn hối hận mãi về sau. Làm theo 9 lời khuyên dưới dây, bạn sẽ không phải day dứt vì những sai lầm mình mắc phải.

Có bao giờ bạn muốn quay ngược thời gian trở về thời điểm mới chập chững bước vào kinh doanh để có những lựa chọn sáng suốt hơn? Tất nhiên bạn sẽ không thể quay trở lại quá khứ nhưng bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với người khác. Nhiều vấn đề bạn có thể nhìn thấy trước khi chúng xảy ra chỉ đơn giản bằng cách học hỏi kinh nghiệm của người đi trước.

Dưới đây là chia sẻ của các chuyên gia có thể giúp các bạn trẻ tránh mắc phải những sai lầm tương tự.

1. Đặt “cơ hội phát triển” lên bàn cân

Brian Lawrence, 32 tuổi, Cố vấn nghề nghiệp, St Louis, Missouri (Mỹ):

Hồi đó tôi đã ra trường và đi làm tại một công ty thế chấp ở Dallas được sáu tháng. Tôi kiếm được rất nhiều tiền và chẳng bao lâu tôi được mời về làm tại chi nhánh ở New York. Trên giấy tờ thì có vẻ như công việc mới sẽ cho thu nhập hậu hĩnh hơn và nhiều cơ hội phát triển hơn. Vì quá vui mừng nên tôi cũng không tìm hiểu kỹ xem thực tế là thế nào và liệu công việc có phù hợp với mình không.

Thế nên, khi tôi đến New York, khoản lương 8.000 USD mới cao hơn của tôi gần như tháng nào cũng hết sạch vì chi phí sinh hoạt quá đắt đỏ. Ở khía cạnh công việc, từ một môi trường lành mạnh với những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm luôn sẵn sàng ủng hộ mình, tôi bước sang một thế giới cạnh tranh khốc liệt, trong đó những người trẻ tuổi có năng lực như tôi chỉ biết đến doanh thu và luôn cố gắng chứng tỏ mình bằng mọi giá.

Tôi rút ra được một kinh nghiệm quý báu: không phải “cơ hội phát triển” nào cũng phù hợp với năng lực, quan điểm và tiêu chí của mình. Vì vậy, khi chúng gõ cửa, bạn phải nhìn cho thật kỹ trước khi trả lời.

2. Tiết kiệm càng sớm càng tốt

Chaz Pitts-Kyser, 35 tuổi, tại Alexandria, Virginia (Mỹ), tác giả của cuốn “Careeranista: The Woman’s Guide to Success After College” (Cẩm nang để thành công dành cho nữ cử nhân sau khi tốt nghiệp):

Tôi đã nghe đến lời khuyên này từ lâu rồi. Nhưng giống như bao người khác, tôi nghĩ rằng mình còn trẻ và còn cơ hội kiếm thêm. Do đó, thay vì tiết kiệm một cách có kế hoạch, tôi lại chi hết khoản này đến khoản kia.

Nghĩ lại, tôi tiếc là tại sao trước đây mình không trích 10 – 15% tiền lương để gửi tiết kiệm. Tôi vốn là người khá là căn cơ, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi có nhiều tiền trong tài khoản ngân hàng (có gửi đâu mà nhiều). Giá mà cứ trích gửi tiết kiệm đều đặn thì giờ tôi đã có vài chục ngàn đô la trong tài khoản rồi.

3. Không cố đấm ăn xôi

Jennifer Hill, 38 tuổi, đồng sáng lập công ty Sixty Vocab, Hoboken, New Jersey (Mỹ):

Sau khi ra trường, tôi bắt đầu đi làm và phải nhảy việc hai lần. Lần thứ hai, tôi phát hiện ra rằng đó không phải là công việc phù hợp với mình chỉ sau 3 tháng được tiếp nhận. Mặc dù có cơ hội chuyển đến Boston để nhận một công việc đầy hứa hẹn khác, tôi đã cố gắng bám trụ ở công ty cũ vì sợ rằng nếu không làm thế, CV của mình trông sẽ không nghiêm túc và người khác sẽ nghĩ rằng mình mình không tận tâm với công việc.

Lời khuyên của tôi dành cho tôi ngày xưa? Nếu công việc hiện tại không phù hợp, hãy từ bỏ và tìm một công việc mới. Cuộc sống quá ngắn ngủi. Hãy chọn làm những gì khiến cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn và bạn sẽ thấy nhiều cơ hội mới mở ra trước mắt mình.

Lưu ý: Nếu bạn cảm thấy bế tắc, đừng vội vàng từ bỏ công việc hiện tại để tìm một công việc mới. Ráng chịu đựng cho đến khi tìm ra hướng đi phù hợp với mình rồi hãy chuyển.

4. Ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng quan trọng

Clay Clark, 33 tuổi, Giám đốc điều hành Công ty Thrive15.com, Tulsa, Oklahoma (Mỹ):

“Tôi bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên của mình – dịch vụ giải trí cho đám cưới – khi còn ở ký túc xá trường đại học. Mỗi khi khách hàng ngỏ ý hợp tác, tôi sẽ hẹn gặp họ ở một quán McDonald nào đấy (vì chưa có văn phòng riêng). Khi đi, tôi vẫn mặc bộ quần áo sinh viên tuềnh toàng của mình. Không hiểu sao mãi tôi vẫn chẳng ký được hợp đồng nào cả dù là một trong những DJ giỏi nhất thị trấn.

Sau đó, một người thầy đã khuyên tôi nên thay đổi trang phục và hẹn gặp khách hàng ở một địa điểm chuyên nghiệp hơn. Thật bất ngờ, công việc kinh doanh của tôi bỗng như diều gặp gió.Tôi kiếm được hơn 4.000 hợp đồng/năm. Sau khi bán công ty cho người khác, tôi tiếp tục mở 9 công ty nữa cũng thành công không kém. Và tôi mãi mãi biết ơn người đã tặng tôi những lời khuyên vô cùng quý giá ấy.

5. Nghĩ kỹ trước khi nhảy việc

Brenden Dilley, 32 tuổi, tác giả của những cuốn cẩm nang sống kiêm cố vấn nghề nghiệp ở Phoenix (Mỹ)

Sai lầm lớn nhất của tôi là đi qua cái tuổi đôi mươi mà không biết chọn việc gì cho ra hồn. Công việc nào tôi cũng nghĩ là “ngon ăn” và vội vàng chấp nhận. May mà sau này tôi tìm được đúng công việc mà mình đam mê, đó là viết sách, tư vấn và diễn thuyết về chủ đề phát triển nghề nghiệp.

Nếu bạn cảm thấy bế tắc hay bức bối với công việc của mình, bạn không nên chọn giải pháp bỏ việc ngay. Hãy nghĩ kỹ xem thực sự bạn muốn làm gì. Trong khi vẫn còn suy nghĩ và chưa tìm được việc mới phù hợp, hãy cứ bám tạm vào công việc hiện tại để có tiền trang trải cuộc sống.

6. Làm những gì trực giác mách bảo

Sara Sutton Fell, 40 tuổi, Giám đốc điều hành công ty FlexJobs ở Boulder, Colorado (Mỹ)

Tôi bắt đầu kinh doanh cùng với người bạn cùng phòng khi còn là một sinh viên đại học. Chúng tôi thực sự thích thú, hào hứng với ý tưởng của mình. Tuy nhiên, do chưa có bằng đại học, chúng tôi đã phải hợp tác với những người cố vấn lớn tuổi hơn và đã có bằng thạc sỹ.

Đáng lẽ lúc đó chúng tôi phải biết rằng không bằng cấp, trình độ học vấn nào có thể thay thế cho sự hiểu biết thực tế đối với công việc mình làm. Không ai hiểu rõ công việc kinh doanh của mình hơn chính bản thân mình. Nhưng do còn trẻ và thiếu tự tin, chúng tôi đã bị những người mà chúng tôi cho rằng thông minh, giỏi giang hơn mình (vì có bằng cấp) làm cho lung lay. Sau kinh nghiệm đau thương đó, tôi đã rút ra kinh nghiệm là phải luôn tin vào trực giác của mình vì nó đáng giá gấp nhiều lần một tấm bằng thạc sỹ.

7. Đừng ép mình phải chọn con đường không phù hợp

LaTisha Styles,31 tuổi, chuyên gia phân tích đầu tư ở Atlanta, Georgia (Mỹ)

Một trong những sai lầm lớn nhất của tôi là để một công ty tuyển dụng quyết định sự nghiệp cho mình. Công ty đó thực ra chỉ còn trống hai vị trí quản lý bậc trung (mà tôi sẽ được cất nhắc vào) nhưng do thích nó quá nên tôi đành chấp nhận một công việc dưới tầm mình thay vì mạnh dạn đi tìm một chỗ khác phù hợp hơn.

Sau một vài tháng, tôi nhận ra rằng mình đã sai lầm khi quyết định như vậy và gần như ngay sau khi được thăng chức, tôi phải chuyển việc mới. Nếu tôi thành thật với chính mình ngay từ đầu thì chắc chắn tôi đã không phải nhọc công đến thế và công ty đó cũng cũng không phải tốn thời gian, công sức cho việc tuyển dụng một lần nữa.

8. Đừng bao giờ bán rẻ mình

Yi Wang, 30 tuổi, chuyên gia tư vấn tài chính ở Westchester, New York (Mỹ)

Tôi tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế ở một trường đại học chính quy. Thế nhưng, do bảng điểm không được đẹp lắm nên chẳng có công ty tài chính lớn nào thèm nhìn lại CV của tôi lần thứ hai. Vì lý do này nên khi chân ướt chân ráo bước vào thị trường việc làm, tôi luôn mặc cảm rằng mình kém thông minh hơn những ứng cử viên có bảng điểm đẹp và tự nhủ mình sẽ chấp nhận bất kỳ công việc nào miễn là có.

Đó là một sai lầm lớn trong sự nghiệp của tôi bởi sau đó tôi phải ép mình vào một công việc không tương xứng, chấp nhận mức lương chỉ bằng một phần những người khác trong khi khối lượng công việc nhiều gấp đôi.

9. Thành công không có nghĩa là bạn phải làm lớn

Michelle Brammer, 33 tuổi, Giám đốc Marketing và PR cho một công ty quảng cáo ở Middletown, Delaware

Hồi mới ra trường, tôi lấy danh vọng và tiền tài làm mục tiêu phấn đấu của đời mình, một phần vì nghĩ rằng nó là bằng chứng của sự thành công, phần nữa là vì món nợ tôi vay để đi học đại học không thể bỗng dưng có cánh bay đi. Mười năm sau, tôi có thu nhập khá hơn, địa vị cao hơn và công việc cũng tốt hơn. Tuy nhiên, tất cả những điều đó kéo theo áp lực và nỗi lo không đạt được thành công tương tự trong tương lai.

Sau đó, tôi lập gia đình và quan điểm của tôi cũng thay đổi. Trước đây, tôi chấp nhận làm cách xa nhà 1 tiếng chạy xe vì ở đó có mức lương tốt hơn và nhiều cơ hội phát triển hơn (tôi đang được quy hoạch thành lãnh đạo cấp cao). Thế nhưng công việc đó khiến tôi ngày càng có ít thời gian dành cho gia đình. Đến đầu năm nay thì tôi hết chịu nổi và phải xin nghỉ việc.

Mới đây, tôi xin vào một một công ty chỉ cách nhà tôi có 10 phút. Tuy công ty nhỏ hơn, mức lương thấp hơn nhưng không lo phải tranh giành quyền lực vì tôi đã ở vị trí cao nhất. Áp lực công việc vì thế cũng giảm đi và tôi thực sự hài lòng với quyết định của mình. Giờ tôi chỉ tiếc tại sao mình không làm điều này sớm hơn.
(Dịch từ Fastcompany)

Theo Học làm giàu

Cùng Danh Mục :

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>