Từ bỏ mức lương 60 triệu ở Nhật về nước mở trung tâm ngoại ngữ
Từ bỏ công việc có mức lương hấp dẫn sau thời gian du học tại Nhật, Đức Anh trở về Việt Nam khởi nghiệp với niềm đam mê trong lĩnh vực giáo dục.
Việc biết tiếng Nhật đang là một lợi thế với các bạn trẻ khi được nhiều công ty săn đón. |
Tham gia nhiều hoạt động phát triển cộng đồng từ khi còn là sinh viên đại học, Quách Đức Anh (Hà Nội) nhận ra giáo dục là con đường ngắn nhất để thay đổi cuộc sống.
“Khi bạn giúp ai đó bằng cách cho anh ta con cá thì đó chỉ là giải pháp tạm thời. Không còn được ai cho cá nữa, thì cuộc sống sẽ cơ cực trở lại. Đây cũng là lý do để mình quyết định theo học chuyên ngành quản lý giáo dục tại Nhật Bản”, chàng trai sinh năm 1989 chia sẻ.
Kế hoạch ban đầu của anh là học hết bậc thạc sĩ và ở lại Nhật Bản làm việc. Đức Anh thừa nhận thu nhập và mức sống tại xứ sở hoa anh đào có sức hấp dẫn lớn dễ níu chân các du học sinh. Song anh cũng cho rằng tại các quốc gia phát triển khi mọi thứ đã quá hoàn hảo thì không dễ bắt đầu ước mơ khởi nghiệp.
“Trong khi tại Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để phát triển, đặc biệt là trong những lĩnh vực mới chưa được định hình, nếu làm tốt mình có thể trở thành người tiên phong và đặt nền móng trong lĩnh vực đấy “, anh nói. Chính vậy với mong muốn tạo lập một sự nghiệp riêng anh bỏ qua lời mời làm việc mức lương 50-60 triệu đồng mỗi tháng để trở về Việt Nam.
Đầu năm 2013, trung tâm đào tạo tiếng Nhật của anh thành lập ở thời điểm quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia ngày càng tốt đẹp. “Việc biết tiếng Nhật trở thành lợi thế lớn, đây cũng là thứ ngôn ngữ đem lại thu nhập cao, một cuộc sống ổn định và một tương lai rộng mở cho người làm chủ được nó”, anh nói. Cho dù tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam vẫn cao song với một lao động thành thạo tiếng Nhật vẫn được rất nhiều công ty săn đón.
“Sự quyết đoán lúc đó là một yếu tố quan trọng giúp mình thành công, vì khi đó có ít trung tâm dạy tiếng Nhật. Nếu chần chừ để bây giờ mới làm thì cạnh tranh sẽ rất khốc liệt vì hiện tại Hà Nội có trên dưới 200 cơ sở dạy tiếng Nhật lớn nhỏ”, Đức Anh bộc bạch.
Ngoài những khó khăn ban đầu về cơ sở vật chất, vị giám đốc trẻ cho biết việc áp dụng phương pháp dạy và học kiểu Nhật vào Việt Nam không hề đơn giản. “Không phải cái gì hay ở nước ngoài cũng có thể áp dụng tại Việt Nam. Học sinh trong nước đã quen với cách học truyền thống nay theo một cách tiếp cận mới khiến nhiều bạn không thể theo hết chương trình”.
Sau một thời gian vừa giảng dạy, vừa đánh giá, thử nghiệm anh cùng cộng sự đã nghiên cứu xây dựng lại các chương trình đào tạo phù hợp hơn với học viên trong nước. Dù vậy, anh vẫn cho rằng phương pháp chỉ là yếu tố cần còn quyết định nằm ở sự cố gắng của người học. “Cả thèm chóng chán, thiếu kiên nhẫn luôn là rào cản lớn với nhiều bạn trẻ hiện nay”, anh cho biết.
Sau 2 năm hoạt động, đến nay trung tâm tiếng Nhật của anh đã đào tạo hơn 2.000 học viên, trong đó nhiều bạn hiện đang du học hoặc làm việc cho các doanh nghiệp của Nhật Bản.
Với mong muốn phổ cập việc học tiếng Nhật trên phạm vi toàn quốc, song hành cùng chương trình dạy tiếng Nhật trực tiếp, hiện anh cùng cộng sự đang phát triển hệ thống các bài học tương tác trực tuyến mở. Theo anh việc học sẽ không còn thụ động nếu có thể học ở bất cứ đâu chỉ với một chiếc máy tính hoặc một chiếc điện thoại thông minh. Giúp các bạn trẻ cảm thấy việc học hấp dẫn, thú vị như chơi game đồng thời có thể tương tác với các thành viên khác trên cả nước, là điều mà anh hướng đến trong dự án này.
Khác với những người đặt mục tiêu khi bắt đầu kinh doanh là doanh thu và lợi nhuận. Đức Anh cho rằng lĩnh vực anh theo đuổi có đặc thù riêng bởi thước đo thành công khó đo đếm ra số tiền. “Mối quan tâm đầu tiên của mình là đào tạo được bao nhiêu học viên, sau khóa học các bạn đạt trình độ như thế nào, chất lượng lớp học ra sao, công việc của các bạn thế nào… “, anh chia sẻ.
Chàng trai sinh năm 1989 cho rằng cần một thời gian đi làm thuê học hỏi kinh nghiệm trước khi tạo dựng sự nghiệp riêng. |
Nhìn lại quá trình khởi nghiệp, doanh nhân trẻ cho biết kinh doanh luôn đi liền với thử thách, gian nan. Có đến 95% doanh nghiệp phá sản sau năm đầu tiên, song thức tế đa số những người bắt đầu đều tin rằng mình chắc không nằm trong số đó.
Anh nói: “Không nên ảo tưởng rằng chỉ cần có đủ quyết tâm là sẽ lập nghiệp được. Ngay cả những ông chủ thành công nhất thường mất 3-5 năm lăn lộn trên thương trường trước khi có thành công đầu tiên”.
Từ Nhật Bản về Việt Nam tuy bắt đầu với 2 bàn tay trắng, nhưng anh tự tin vì không đem theo cái đầu rỗng tuếch để tạo dựng sự nghiệp. Trước khi mở trung tâm đào tạo tiếng Nhật anh đã có thời gian khá dài làm việc trong các dự án liên quan đến lĩnh vực giáo dục. “Nếu không có những kiến thức, kỹ năng tích lũy từ 7-8 năm trước đó, chắc chắn mình sẽ không thể thành công”, anh thẳng thắn.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm của mình, anh cho rằng với những người có mơ ước kinh doanh trước hết nên đi làm thuê, đây cũng là cách tốt nhất để học hỏi. “Bạn vừa được trả lương, vừa có cơ hội học hỏi, vừa đỡ rủi ro. Sau 2-3 năm làm việc và hiểu rõ ngọn ngành mọi thứ lúc đó bắt đầu cũng chưa muộn. Sự nghiệp là hành trình dài nên đừng tiếc một vài năm đi học việc”, doanh nhân trẻ bày tỏ.
Đức Anh cho biết đã gặp rất nhiều bạn trẻ có ước mơ xây dựng “đế chế” của riêng mình, song rất ít người mong muốn cùng chung sức với một cá nhân, đơn vị khác. Theo anh để quy mô kinh doanh lớn hơn mong đợi nên có tinh thần cởi mở và tính đến việc xây dựng mối quan hệ hợp tác với nhiều đối tác khác.
Thành Tâm
Nguồn Vnexpress
Leave a Reply