Cách để dạy con thành… tỷ phú
Ông Paul Hsia – Giám đốc Quỹ Giáo dục Hoa Kỳ, người đã giúp đào tạo hơn 1.000 CEO cho rất nhiều quốc gia trên thế giới cho rằng: “Muốn con thành tài, nhất định phải chú ý giáo dục chỉ số FQ – chỉ số thông minh làm giàu cho trẻ ngay từ nhỏ”.
Việc giáo dục kỹ năng làm giàu và quản lý tài chính cho trẻ không đơn thuần là giáo dục tiền bạc mà còn là quá trình giáo dục các kỹ năng sống và tố chất tổng hợp cho trẻ.
1. Kỹ năng tạo ra thu nhập
Việc nâng cao kỹ năng tạo ra thu nhập cho trẻ gồm hai loại: kỹ năng tạo ra thu nhập chủ động và kỹ năng tạo ra thu nhập thụ động (hay còn gọi là kỹ năng đầu tư).
Thu nhập chủ động tức là hướng dẫn con cái chủ động tham gia lao động để tạo ra thu nhập. Bố mẹ có thể giao cho trẻ làm một số việc nhà phù hợp với khả năng của chúng như đổ rác, lau sàn, mát xa cho bố mẹ,… thông qua hình thức trả thù lao. Tất nhiên, một số việc con cái nên tự giác làm, không nên trả thù lao như gấp quần áo cá nhân, vệ sinh phòng ngủ của mình, sắp xếp lại cặp sách, gọt bút chì,… Làm như vậy để trẻ hiểu rằng, những việc phù hợp với sức mình nhất định phải tự làm, trẻ có nhỏ tuổi đến mấy cũng là một thành viên trong gia đình và mỗi thành viên cần phải đóng góp vào công việc chung của gia đình.
Đồng thời, cha mẹ hướng dẫn con cái đem số tiền tiêu vặt, thu nhập từ lao động, tiền mừng tuổi gửi cho bố mẹ hoặc trực tiếp mở tài khoản ngân hàng cho trẻ, hoặc gửi vào tài khoản của bố mẹ. Ưu điểm của cách làm này là giúp trẻ từ từ tiếp thu những kiến thức đầu tư và quản lý tài chính phong phú, đa dạng, qua đó trẻ sẽ tự học được những kiến thức làm giàu.
2. Khả năng sáng tạo
Giống như câu nói: “Nếu bạn muốn trở nên thần kỳ và giàu có, hãy biến thành trẻ em”. Trong cuộc sống, trẻ em rất ít khi bị ràng buộc bởi khuôn mẫu, chúng thường làm những việc vượt xa trí tưởng tượng và gây cười cho người lớn. Đừng bao giờ phê phán tính hiếu kỳ và trí tưởng tượng của trẻ em mà cần dùng tâm trạng thưởng thức để động viên chúng tiếp tục tìm tòi, khám phá. Như vậy, cánh cửa sáng tạo của trẻ sẽ được rộng mở, cùng với đó là sự tự tin, khả năng tư duy sẽ được nâng cao.
3. Kỹ năng hành động
Giữa nghĩ được và đạt được còn phải thêm làm được, bất luận việc gì cũng phải thông qua hành động thực tế mới có thể đạt đến mục đích mà mình đặt ra từ trước. Khi bồi dưỡng khả năng làm giàu cho con cái, dù con nghĩ như thế nào, bố mẹ vẫn nên động viên con làm, ví dụ như làm việc nhà cũng là cách bồi dưỡng khả năng thực hiện công việc cho trẻ.
Khi trao đổi với con cái, tình yêu vô tư chính là bí quyết xóa bỏ mọi rào cản, bất luận trẻ nghĩ gì, khi chúng nói chuyện với chúng ta, hãy nói với trẻ một cách chắc nịch: “Cứ làm đi, con có thể làm được! Nếu cần, bố mẹ sẵn sàng giúp đỡ”.
Trong thư gửi con, Rockefeller từng viết: “Thành công tức là đem một ý tưởng hay áp dụng vào thực tiễn, điều này còn giá trị hơn việc chỉ nằm ở nhà và nghĩ ra hàng ngàn ý tưởng. Nếu con không hành động thì học vấn có đẹp đẽ và khả thi đến bao nhiêu cũng khó áp dụng vào thực tế. Thành công không có bí quyết, chỉ cần tích cực hành động, con sẽ dần tiếp cận với thành công”.
4. Kỹ năng tín dụng – vay tiền nhất định phải trả
Bồi dưỡng kỹ năng tín dụng cho con là một phần không thể thiếu trong giáo dục quản lý tài chính. Nhà đầu tư Rogers từng gửi thư cho con gái: “Giả sử con vay tiền, luôn luôn phải trả đúng hẹn, cố gắng trả hết nợ một khi có khả năng. Tín dụng tốt rất quan trọng, tín dụng xấu giống như ma quỷ, nó sẽ quấy rầy con cả năm”.
Rockefeller cũng khuyên con trai rằng: “Bố muốn nói với con rằng, khi nhận được một khoản tiền lớn từ ngân hàng, vật thế chấp không chỉ bao gồm nhà máy mà còn có sự thành thực của bố. Bố coi hợp đồng và khế ước như những vật thần thánh, bố tuân thủ nghiêm túc hợp đồng, không bao giờ trì hoãn việc trả nợ”.
5. Khả năng cống hiến
Cống hiến thực ra là khả năng sẵn sàng hy sinh vì người khác, người xưa có câu: “Cho đi ít nhận về ít, cho đi nhiều nhận về nhiều, không cho đi thì không nhận được gì”. Nhiều bậc phụ huynh luôn tìm cách đáp ứng mọi yêu cầu của con cái, khiến chúng cảm thấy người xung quanh phải yêu thương, quan tâm mình và coi đó là chuyện đương nhiên. Lâu dần, trẻ sẽ hình thành tâm lý và thói quen chỉ biết nhận về mà không muốn cho đi. Phụ huynh phải dạy con học cách hy sinh vì người khác, cho dù sự hy sinh đó không mang lại báo đáp, đừng để trẻ trở thành người keo kiệt. Ví dụ: tặng quà nhân ngày sinh nhật của những người thân trong gia đình hay quyên góp ủng hộ trẻ em khu vực gặp thiên tai,… Điều chúng ta quan tâm không phải trẻ tặng gì mà là trẻ học được cách cảm ơn và báo đáp, tiền bạc không thể đánh đổi được những thứ như thế.
6. Khả năng tiết kiệm
Tiết kiệm nghĩa là không lãng phí tiền của, đó là một thói quen và đức tính tốt nhưng không thể hình thành trong một sớm một chiều mà cần phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài. Cha mẹ có thể dạy con đức tính này thông qua việc thu gom phế liệu trong nhà, tiền bán phế liệu đương nhiên thuộc về con. Hoặc có thể hướng dẫn con dùng óc sáng tạo tận dụng phế liệu để làm ra những món đồ có giá trị sử dụng hoặc làm đồ chơi. Bất luận trẻ sử dụng những vật liệu trên vào mục đích gì, việc biến phế liệu thành đồ hữu ích vừa khiến trẻ vui thích và tự hào, đồng thời còn tăng cường ý thức tiết kiệm cho trẻ.
7. Kỹ năng quản lý tiền mặt
Khi trẻ đã biết đọc, biết viết, cha mẹ có thể dạy con cách ghi sổ tài khoản, sổ thu chi hàng ngày. Nếu trẻ muốn mua một món đồ chơi, cha mẹ có thể hướng dẫn con tích góp tiền bằng cách làm những việc nhà đơn giản. Điều này không chỉ giúp trẻ học cách quản lý tiền mặt mà còn biết trân trọng những đồng tiền mà mình kiếm được. Cách làm này cũng có ích cho khả năng sáng tạo và tư duy của trẻ.
8. Khả năng kiên nhẫn
Tính kiên nhẫn là khả năng theo đuổi đến cùng khi làm một việc nào đó, bồi dưỡng khả năng này có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển tâm lý, hành vi của trẻ. Cha mẹ cần dạy trẻ bất cứ việc gì cũng phải làm cho xong.
Giáo dục tính kiên nhẫn sẽ giúp ích rất nhiều cho tình cảm, cuộc sống và sự nghiệp của con cái sau này, chúng sẽ biết yêu người khác một cách chân thành, biết chuyên tâm làm việc. Thủ tướng Anh Churchill đã từng nói: “Tôi có ba bí quyết thành công: thứ nhất là không từ bỏ; thứ hai là quyết không, quyết không từ bỏ; thứ ba là quyết không, quyết không, quyết không từ bỏ”. Bất luận là việc gì, trừ phi bản thân chúng ta tự từ bỏ, bằng không sẽ chẳng bao giờ thất bại. Muốn trẻ kiên trì theo đuổi một việc đúng đắn, phụ huynh phải dạy con cách tư duy, để trẻ đưa ra những phán đoán và quyết định chính xác thông qua quá trình suy nghĩ thấu đáo.
9. Khả năng tư duy
Khả năng tư duy phản ánh năng lực phân tích, đánh giá sự việc, giúp chúng ta có khả năng nhìn thấu bản chất ẩn náu phía sau sự việc. Trong một bức thư gửi con gái, chuyên gia đầu tư Rogers đã viết: “Mỗi người đều phải tư duy một cách độc lập, không thể dựa dẫm vào người khác. Các con cần đặt ra mục tiêu cho riêng mình, tưởng tượng ra tương lai của bản thân, tìm được con đường mình cần bước theo. Thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các con”.
Những bậc làm cha làm mẹ cần cho trẻ biết trên đường đời không chỉ có những thứ đẹp đẽ mà còn nhiều thứ nhìn bên ngoài thì đẹp, nhưng thực tế là cạm bẫy chết người. Phải dạy cho con cách tư duy khi gặp vấn đề cần giải quyết và luôn giữ chính kiến.
10. Kỹ năng giao tiếp
Quá trình dạy trẻ cách làm giàu không thể tách rời kỹ năng giao tiếp. Trẻ sớm muộn rồi cũng trưởng thành, cuộc sống đòi hỏi chúng tiếp xúc, làm quen với nhiều người, những mối quan hệ này đòi hỏi trẻ phải có khả năng giao tiếp tốt, khả năng giao tiếp tốt sẽ giúp trẻ có thể giải quyết thuận lợi mọi vấn đề.
Trên thực tế, khả năng đối nhân xử thế là nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của mỗi người trong sự nghiệp: quan hệ rộng – bạn bè nhiều – thông tin nhiều – cơ hội nhiều – của cải nhiều. Đôi khi quan hệ xã hội còn quan trọng hơn tri thức và tiền bạc.
Theo Học làm giàu
Leave a Reply