Đặng Văn Thái – Người đưa nhà máy về với nông dân
Đưa nhà máy về nông dân để người dân ly nông mà không ly hương, doanh nhân người lính Đặng Văn Thái đã chọn cách phục vụ xã hội ngay trên đồng đất quê hương Thái Bình.
1. Đời quân ngũ của ông Đặng Văn Thái khởi đầu bằng… một sự trục trặc. Học xong phổ thông vào thời điểm cả nước đang dồn tổng lực cho chiến dịch cuối cùng tại miền Nam, nên ông, cũng như hàng vạn học sinh miền Bắc sau khi tốt nghiệp, đều tình nguyện nhập ngũ. Chỉ có điều, sức khỏe yếu khiến chàng trai trẻ Đặng Văn Thái không được toại nguyện. Ông mất hai năm tự rèn luyện và năm 1976, một năm sau khi đất nước thống nhất, Đặng Văn Thái nhập ngũ, thỏa ước mơ trở thành người lính.
Tám năm là lính C52 (nay là Tổng cục 2 Quân đội), ông nói ông trưởng thành chính trong giai đoạn này. Về sau, khi bước vào những giai đoạn thăng trầm trong đời sống cũng như trong kinh doanh, tố chất người lính được rèn giũa đã giúp ông rất nhiều.
Ngay cả giai đoạn mà ông nói là “chất lính phải nằm im” do cơ chế bao cấp, kế hoạch hóa tập trung sau khi ông rời quân ngũ, chuyển ngành về Công ty Xuất khẩu Vũ Thư, Công ty Xuất khẩu tỉnh Thái Bình, rồi Công ty may Việt Thái – những doanh nghiệp nhà nước quen hô hào năng suất chất lượng nhưng thực chất không làm được gì, cũng dạy ông nhiều bài học quý…
Nhưng phải đến năm 2012, khi Công ty may Việt Thái hoàn tất toàn bộ phần thoái vốn nhà nước trong doanh nghiệp, những bài học kinh nghiệm trong kinh doanh và trong cuộc sống của người lính mới được ông phát huy.
Năm 2005, ông kể, khi Công ty bắt đầu cổ phần hóa, lần đầu tiên, mọi người cảm nhận được áp lực của chất lượng trong kinh doanh tới sự sống còn của chính mình và Công ty. Và rồi từng người bắt đầu xoay chuyển tư duy.
Ông Thái tâm sự, bắt đầu từ đó đến năm 2012, những câu hỏi về chiến lược phát triển, làm thế nào để tiềm lực ít mà vẫn đầu tư mở rộng hay như sản xuất, kinh doanh như thế nào để an toàn, hiệu quả đồng vốn, giải quyết được nhiều lao động cũng như đảm bảo được thu nhập ngày càng tốt hơn, đảm bảo lợi tức của cổ đông ngày một khá hơn cũng như hoàn thành trách nhiệm nghĩa vụ với nhà nước được lần lần đặt ra, ngày một gay gắt.
Chính trong sự vật lộn cả về tư duy và cách thức vận hành, Việt Thái đã mở được cánh cửa cốt tử, đó là đưa nhà máy may về nông thôn.
“Cơ sở của sự chuyển hướng này trước hết từ chính nhu cầu của Công ty. Khi đó, Công ty có một nhà máy trong thành phố, bốn bề chật kín không thể mở rộng được nữa, nhưng sâu xa hơn chính là thực hiện chủ trương “chung tay xây dựng nông thôn mới” của Chính phủ, của tỉnh, Bên cạnh đó, ở bất kỳ giai đoạn nào, nông thôn vẫn là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước, riêng nghề may mặc đây là lợi thế vì tôi vốn lớn lên từ những cánh đồng”…, ông Thái kể lại.
Rồi ông tính, đưa nhà máy về nông thôn, đồng nghĩa với việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho họ, nhưng cũng là để người dân “ly nông bất ly hương”. Hơn thế, áp lực xã hội cũng giảm đi nhiều khi hàng ngàn công nhân không còn phải di chuyển xa, giảm nhu cầu nhà ở và cũng từ đó, giảm các tai tệ nạn xã hội …
“Tính toán nhiều, nhưng điều tôi mong muốn nhất là dành những gì thuận lợi nhất cho người lao động”, ông Thái bày tỏ.
2. Xã Thanh Tân – một xã cách TP.Thái Bình khoảng 15 km, là điểm trung tâm, giao thoa kinh tế và giao thông của 10 xã phía Bắc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã được doanh nhân Đặng Văn Thái Thái lựa chọn là điểm đứng chân đầu tiên trong chiến lược đưa nhà máy về quê. Nhiều người bảo, Công ty Việt Thái đã góp phần đưa Thanh Tân trở thành xã điển hình nông thôn mới của tỉnh Thái Bình và của cả nước. Ở góc độ khác, cũng có thể nói Thanh Tân đã góp phần tạo bước thành công đột phá mỹ mãn cho Công ty Việt Thái.
Năm 2012, dự án xây dựng nhà máy may Thanh Tân bắt đầu. Quá trình thực hiện nhanh ngoài mong đợi, cứ 1 năm xong 1 nhà máy. Đến cuối năm 2013, Công ty có 2 nhà máy với tổng đầu tư 176 tỷ đồng, trên diện tích gần 22.000 m 2, với gần 2.000 công nhân đi vào hoạt động. Và điều ông Thái tâm đắc nhất, 2 nhà máy ở Thanh Tân chỉ mất nửa năm để hoạt động mà không cần bù lỗ. Có thể nói, đây là kỷ lục về hiệu quả đầu tư trong ngành may.
Cũng từ đó, 3 năm liền, Công ty Việt Thái luôn đạt tốc độ cao về tăng trưởng và doanh thu như năm 2012, sản xuất 546.000 sản phẩm; năm 2013 là 947.000 và năm 2014 lên 1,4 triệu sản phẩm, trong đó chủ yếu là sản phẩm xuất khẩu. Doanh thu năm 2012 đạt 209 tỷ đồng, năm 2013 là 345 tỷ đồng và năm 2014 là 497 tỷ đồng. Thu nhập của người lao động đều tăng như năm 2012 là 3,756 triệu đồng/tháng, năm 2013 lên 4,088 triệu, năm 2014 là 4,2 triệu đồng/tháng. Lợi nhuận, cổ tức năm sau cao hơn năm trước, như năm 2013 là 40%. Hàng năm, công ty đều hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, đưa Việt Thái liên tục đứng trong top 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.
Khi được hỏi về những động lực làm nên tốc độ phi mã đó, Giám đốc Thái cho biết: “Các nhà máy được đầu tư dây chuyền, máy móc trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến của thế giới. Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và đặc biệt phương pháp sản xuất tinh gọn LEAN một phương pháp sản xuất hiện đại nhất của Nhật Bản hiện nay. Từ đó, loại bỏ lãng phí, năng suất lao động tăng tới 15%”.
Đặc biệt, ông Thái nói, Việt Thái tập trung xây dựng nguồn nhân lực chuẩn, nhất là các vị trí chủ chốt bằng cách cử đi đào tạo và đào tạo trực tiếp từ thực tế sản xuất – kinh doanh. Vì thế, đội ngũ cán bộ của Việt Thái làm chủ hoàn toàn công nghệ mới, giao dịch toàn cầu. “Đầu tư cho nguồn nhân lực một thì họ đem lại lợi nhuận cho mình 10, tôi nghĩ con đường này không chỉ có giá trị thành công riêng cho Việt Thái. Mặt khác, trước đây Việt Thái đã xuất hiện “sao” trong sản xuất, một người nghỉ là dây chuyền gián đoạn, ngừng trệ. Nhưng bây giờ thì không còn nữa, chúng tôi kiên trì xây dựng phương pháp làm việc theo nhóm, một người biết nhiều việc và một vị trí có nhiều người sẵn sàng thay thế”, ông Thái chia sẻ kinh nghiệm.
Cùng với đó, Việt Thái xây dựng và chuẩn hóa hệ thống, chia và phân cấp rõ quyền, trách nhiệm, chức năng cho từng bộ phận. Lãnh đạo như người đạo diễn điều chỉnh, uốn nắn cho đúng, cho phù hợp, không ôm hết làm thay. Từ đó, người đứng đầu có thời gian tập trung vào các dự án và quan hệ mới.
Song song với các giải pháp đó, được sự giúp đỡ của một số tập đoàn lớn như Việt Tiến, Công ty không ngừng mở rộng địa bàn xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu của Công ty trước kia chủ yếu là thị trường châu Âu, nhưng sau năm 2010 đã chuyển hướng sang thị trường Mỹ. Hiện tại, thị trường này chiếm tới 75% sản phẩm của công ty.
Và cốt lõi còn ở khâu xây dựng khối đoàn kết. Muốn vậy, bản thân người đứng đầu phải quy tụ được anh em. Ông nói: “May mà tôi vẫn giữ được tác phong người lính, “quân lệnh như sơn”, nhưng rộng rãi hòa đồng, luôn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, tâm tư của anh em. Khi đã đồng lòng thì không có lý gì là không chiến thắng”.
Thành công trên không thể thiếu sự quan tâm đến cuộc sống cán bộ, công nhân. Hiện tại, mỗi tháng, Công ty lo trên dưới 10 tỷ đồng tiền lương cho công nhân đúng kỳ, đúng hạn. Đó là chưa kể đến các kỳ lễ tết, các nguồn kinh phí cho công đoàn, phụ nữ hoạt động, “Tôi tự hào bao năm qua, Việt Thái vẫn duy trì ngày 2 lần tập thể dục vào 9 giờ và 15 giờ, giúp công nhân luyện tập sức khỏe, tránh bệnh nghề nghiệp và tạo tâm lý thư giãn”, Giám đốc Thái kể.
3. Với đà này, Việt Thái tiếp tục đầu tư nhà máy số 3, số 4 ở Thanh Tân và không gì thay đổi, vào năm 2016 sẽ đi vào hoạt động. Việt Thái cũng đã bắt đầu khởi động dự án xây dựng một nhà máy tại xã Việt Thuận (huyện Vũ Thư) trên diện tích 4 ha, với hướng đón nhận không chỉ lao động trong tỉnh mà cả công nhân một số huyện của tỉnh Nam Định bên kia sông Hồng, nâng tổng số đội quân công nhân của Việt Thái lên con số trên 5.000 quân…
Người lính Đặng Văn Thái đang xây dần ước mơ về một chuỗi nhà máy hiện đại để sẵn sàng bước chân vào những thử thách mới của hội nhập kinh tế…
Leave a Reply